Mất thính lực (hay điếc tai) khiến khả năng nghe bị suy giảm, làm người bệnh lo lắng, sợ hãi thậm chí là trầm cảm. Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng này và cách khắc phục khi bị mất thính lực nhé!
1.Điếc tai (mất thính lực) là gì?
Mất thính lực là hiện tượng xảy ra khi bất kì bộ phận nào của tai (thính giác) không hoạt động bình thường được.
Khoảng một phần ba người lớn tuổi bị mất thính lực và tỷ lệ bị mất thính lực tăng dần theo độ tuổi. Người mất thính lực có thể gặp khó khăn trong việc trò chuyện với người khác. Nhiều người không muốn thừa nhận rằng họ gặp các vấn đề về thính giác. Những vấn đề về thính giác nếu bị bỏ qua hoặc không được điều trị đúng cách có thể trở nặng hơn.
Mất thính lực có thể được phân loại theo những nguyên nhân như sau:
- Điếc đột ngột (hay mất thính giác đột ngột): là tình trạng mất thính lực nhanh chóng không rõ nguyên nhân.
- Mất thính lực liên quan đến tuổi tác: Xảy ra dần dần khi một người già đi do lão hóa ở tai trong và dây thần kinh thính giác.
- Mất thính lực do tiếng ồn: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thính giác. Tiếng ồn có thể làm tổn thương tế bào lông trong của tai trong và dẫn đến mất thính giác vĩnh viễn.
- Mất thính lực do màng nhĩ bị tổn thương: Do nhiễm trùng, áp lực hoặc đưa dị vật vào tai, kể cả tăm bông cũng có thể gây mất hoặc giảm thính lực.
- Mất thính lực do sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tổn thương tai trong, có thể gây điếc vĩnh viễn. Nếu bạn cảm thấy có vấn đề trong khi đang dùng thuốc, hãy đi bác sĩ để được kiểm tra kĩ càng hơn.
Mất thính lực là hiện tượng tai không thể nghe một cách bình thường
2.Nguyên nhân dẫn đến mất thính lực (điếc tai)
Hiện tượng mất thính lực có thể chia làm 3 loại:
- Điếc dẫn truyền: Hiện tượng các bộ phận phụ trách truyền dẫn âm thanh ở tai ngoài và tai giữa hoạt động không hiệu quả, dẫn tới âm thanh không được truyền tốt tới tai trong, điều này khiến người bệnh nghe kém hoặc không hiểu âm thanh do âm thanh có thể đã bị suy giảm hoặc biến dạng.
- Điếc tiếp nhận: Hiện tượng mất thính lực liên quan đến tổn thương của ốc tai hoặc do dây thần kinh, dẫn đến tình trạng giảm khả năng cảm nhận âm thanh ở người mắc bệnh.
- Điếc hỗn hợp: Hiện tượng mất thính lực bao gồm cả mất thính giác và tiếp nhận.
Tai chúng ta được cấu thành từ 3 phần (tai ngoài, tai giữa, tai trong) và nguyên nhân gây mất thính lực có thể đến từ cả 3 phần này
- Tai ngoài: Nút ráy tai, dị vật tai, dị tật thiểu sản ống tai.
- Tai giữa: Viêm tai giữa cấp và mạn tính, thủng màng nhĩ, xơ nhĩ, viêm tai xương chũm.
- Tai trong: Lão thính, điếc nghề nghiệp, điếc đột ngột, tác dụng phụ của thuốc.
Ngoài ra, trẻ em mới sinh cũng có thể bị điếc bẩm sinh nhưng thường được phát hiện muộn, chỉ khi trẻ chậm nói. Do đó nên sàng lọc thính lực cho trẻ em mới sinh càng sớm càng tốt.
Cấu tạo tai gồm 3 phần và nguyên nhân điếc tai có thể đến từ cả 3 phần này
3.Đối tượng có nguy cơ cao bị điếc tai
- Người già: Quá trình lão hóa tự nhiên có thể gây mất thính lực do suy giảm chức năng tế bào lông tai trong.
- Người sống hoặc làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn: Tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn lớn có thể gây ra mất thính lực. Đối tượng làm việc trong các ngành công nghiệp như xây dựng, gia công công nghiệp, hàng không và âm nhạc có thể có nguy cơ mắc cao hơn.
- Người có tiền sử nhiễm trùng tai: Nhiễm trùng tai nhiều lần hoặc nhiễm trùng tai nặng có thể gây hư hại tai và gây mất thính lực.
- Người có tiền sử sử dụng thuốc chống ung thư: Một số loại thuốc chống ung thư có thể gây hư hại tới thính giác như nhóm thuốc chứa Platium có thể gây nghe kém, ù tai, rối loạn tiền đình, nhẹ thì có thể hồi phục được, nếu nặng thì có thể điếc vĩnh viễn; Bleomycin, 5-Fluorouracil cũng có thể gây tác hại cho tai, làm suy giảm thính lực.
- Dị tật tai di truyền: Các vấn đề về cấu trúc tai hoặc di truyền có thể gây mất thính lực từ khi sinh ra.
- Người bị chấn thương tai hoặc đầu: Tổn thương tai hoặc đầu nghiêm trọng có thể gây mất thính lực.
Đối với những người ở nhóm nguy cơ này, quan trọng nhất là nên đi kiểm tra để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.
Nhóm người dễ bị mất thính lực nên được kiểm tra sớm để có hướng điều trị hợp lý
4.Triệu chứng điếc tai
Dưới đây là bảng phân loại mức độ giảm thính lực và triệu chứng đi kèm theo WHO:
Mức độ suy giảm | Giá trị ISO đo thính lực tương đương | Triệu chứng | Khuyến nghị | Lưu ý được thêm vào |
0: Không suy giảm | Dưới 25dB | Không có hoặc có vấn đề về thính giác rất nhẹ. Có thể nghe thấy lời thì thầm. | Không có. | Vẫn có những người gặp vấn đề về thính giác ở mức 15-20dB. Những người có đôi tai tốt hơn bình thường cũng có thể gặp vấn đề về thính giác như mất thính lực một tai. |
1: Suy giảm nhẹ | 26-40dB | Có thể nghe và lặp lại các từ bằng giọng nói bình thường ở khoảng cách 1m. | Có thể sử dụng máy trợ thính. | Có thể gặp khó khăn trong việc nghe nhưng vẫn nghe được các cuộc hội thoại bình thường. |
2: Suy giảm vừa phải | 41-60dB | Có thể nghe và lặp lại các từ bằng giọng nói lớn hơn ở khoảng cách 1m. | Máy trợ thính được khuyên sử dụng. | Không có. |
3: Suy giảm nghiêm trọng | 61-80dB | Có thể nghe thấy tiếng nói thầm sát vành tai. | Máy trợ thính rất cần thiết, nếu không có máy trợ thính thì nên học đọc khẩu hình. | Cần chú ý sự khác biệt giữa ngưỡng thuần âm và điểm phân biệt trong lời nói. |
4: Suy giảm nghiêm trọng | 81dB trở lên | Không thể nghe và hiểu ngay cả khi nói to vào tai. | Máy trợ thính, đọc khẩu hình và ngôn ngữ kí hiệu rất cần thiết. Cần phục hồi chức năng bổ sung. | Nói ngọng, mức độ phụ thuộc vào thời gian bị mất thính lực. |
5.Hậu quả của điếc tai
Mất thính lực có thể làm cho các hoạt động sinh hoạt trở nên khó khăn hơn.
Ở người lớn tuổi, mất thính lực khiến cho tỷ lệ bệnh trầm cảm gia tăng vì nó có thể khiến việc nói chuyện với người khác trở nên khó khăn hơn. Khi đó một số người bị mất thính lực sẽ cảm thấy bị tách biệt khỏi những người xung quanh.
Bên cạnh ảnh hưởng tới tâm lý, mất thính giác cũng gây suy giảm nhận thức hay tăng nguy cơ bị té ngã người thuộc độ tuổi này.
Ở trẻ nhỏ bị mất thính lực bẩm sinh, có xuất hiện nguy cơ khiến trẻ em bị câm điếc do không nghe được nên không thể tiếp thu cách nói chuyện thông thường, dẫn tới trẻ không thể học nói.
6.Chẩn đoán mất thính lực
Khám lâm sàng
Người bệnh cần được khám về tai mũi họng đầy đủ để chứng tỏ không có tổn thương gì về màng nhĩ, tai giữa và xương chũm, cũng như không có tổn thương ở tiền đình vì điếc nghề nghiệp chỉ gây nên các tổn thương ở loa đạo của tai trong.
Khám lâm sàng giúp kiểm tra mức độ bình thường của tai
Một số phương pháp cận lâm sàng
Ngoài khám lâm sàng, một số phương pháp khác có thể được sử dụng để chẩn đoán mất thính lực như:
- Đo sức nghe đơn giản: Là xét nghiệm được thực hiện khi có bệnh ở tai – xương chũm hay nghi ngờ suy giảm sức nghe. Đo sức nghe đơn giản gồm đo sức nghe bằng tiếng nói và đo sức nghe bằng âm thoa.
- Thính lực đồ: Là một nghiệm pháp phát hiện và báo cáo tình trạng khiếm thính ở một người.
- Đo nhĩ lượng: Là xét nghiệm đáng tin cậy để kiểm tra chuyển động của màng nhĩ, từ đó giúp kết luận tình trạng của màng nhĩ, xương con, vòi nhĩ và một số bệnh lý tai giữa.
- Đo phản xạ cơ bàn đạp: Là nghiệm pháp đo phản xạ âm hay còn gọi là phản xạ cơ bàn đạp, phản xạ cơ tai giữa là một cơ chế bảo vệ tai trước những âm thanh lớn.
- Đo âm ốc tai (OAE): Là nghiệm pháp thăm dò khách quan nhằm đánh giá những tổn thương tại ốc tai ở trẻ sơ sinh.
- Điện thính giác thân não (ABR): Là phương pháp đo điện sinh lý, giúp đánh giá tình trạng của ốc tai và đường dẫn truyền thính giác từ ốc tai lên não (xác định bệnh lý dẫn truyền thần kinh thính giác).
- Phép đo ASSR: Biện pháp này thường kết hợp kèm với ABR, thực hiện trong khi trẻ đang ngủ để ghi lại đáp ứng từ dây thần kinh thính giác đến cầu não.
Thính lực đồ giúp phát hiện khiếm thính
7.Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu gặp bác sĩ
- Nếu một người đột nhiên cảm thấy một bên tai không nghe thấy gì, hãy đi khám bác sĩ để được khám và điều trị sớm nhất.
- Mất thính lực do tuổi tác diễn ra chậm rãi, triệu chứng ban đầu còn nhẹ nên người bệnh có thể chủ quan không phát hiện ra. Nếu cảm thấy việc không nghe thấy làm ảnh hưởng tới cuộc sống, hãy đi khám để được phát hiện và chữa trị sớm nhất.
Nơi khám chữa bệnh tai mũi họng uy tín
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa Tai mũi họng, hoặc các bệnh viện đa khoa tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiết xảy ra:
- Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện Quốc tế City….
- Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện Đại học Y Hà Nội….
8.Điều trị điếc tai
Loại bỏ ráy tai
Loại bỏ ráy tai là một cách giúp bạn nghe rõ hơn. Tuy nhiên dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại hoặc nhựa có thể vô tình làm xước da ống tai, dẫn đến rách, chảy máu, nhiễm trùng hay thậm chí là thủng màng nhĩ. Vì thế bạn hãy tìm kiếm những cơ sở tai mũi họng uy tín để thực hiện loại bỏ ráy tai.
Loại bỏ ráy tai đúng cách có thể giúp nghe tốt hơn
Phẫu thuật
Mất thính lực có thể được điều trị bằng phẫu thuật, tuy nhiên không phải ai cũng có thể dùng phương pháp này. Phương pháp này chỉ được dùng trên những bệnh nhân có vấn đề như: người bị điếc tiếp nhận nặng, người bị điếc dẫn truyền do tổn thương ở tai ngoài và tai giữa.
Máy trợ thính
Máy trợ thính Hoàn Mỹ là sản phẩm y tế giúp cải thiện tình trạng nghe. Người mất thính giác nên đi khám để biết ngưỡng nghe của bản thân đang ở mức nào, sau đó tham khảo ý kiến bác sĩ để mua được máy trợ thính phù hợp với bản thân.
Máy trợ thính giúp cải thiện khả năng nghe
Cấy ghép ốc tai điện tử
Nếu bị mất thính lực nặng và máy trợ thính thông thường không giúp ích trong việc cải thiện khả năng nghe, thì bác sĩ có thể gợi ý bệnh nhân cấy ghép ốc tai điện tử.
Không giống như máy trợ thính khuếch đại âm thanh và hướng nó vào ống tai, ốc tai điện tử giúp thay thế chức năng của các bộ phận bị hư hỏng hoặc không hoạt động của tai trong và trực tiếp kích thích dây thần kinh thính giác.
Cấy ghép ốc tai điện tử được thực hiện cho các trường hợp mất thính lực nặng
Một số thuốc trong điều trị điếc tai
Tùy vào mức độ điếc tai của mỗi người mà loại thuốc sử dụng sẽ khác nhau, dưới đây là một số loại thuốc sử dụng trong điều trị suy giảm thính lực mà bác sĩ có thể chỉ định:
- Thuốc tăng tuần hoàn ốc tai và hệ thần kinh trung ương: Thuốc kích thích giao cảm, thuốc giãn cơ trơn, thuốc chẹn alpha – 1.
- Thuốc kháng histamin và thuốc chống phù nề: Sử dụng điều trị rối loạn chức năng vòi.
- Acid para – aminobenzoic, Aminoacyl amide: Dẫn xuất của những thuốc này giúp giảm độ nhạy cảm của các mô dẫn truyền thần kinh.
- Corticoid: Corticoid có thể được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp xuyên qua màng nhĩ giúp điều trị điếc đột ngột.
- Thuốc điều trị bệnh lý nguyên nhân: Viêm tai giữa, viêm thần kinh ốc tai.
9.Các biện pháp phòng tránh điếc tai
Có nhiều cách bạn có thể làm để bảo vệ thính lực của bản thân khỏi những tác động bên ngoài như:
- Bảo vệ tai: Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài là cách bảo vệ tai tốt nhất. Nếu bạn làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn lớn, hãy sử dụng nút tai bằng nhựa để bảo vệ tai.
- Loại bỏ ráy tai đúng cách: Không nên sử dụng tăm bông để làm sạch tai – chúng có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn.
- Kiểm tra thính giác thường xuyên: Cân nhắc kiểm tra thính giác thường xuyên nếu làm việc trong môi trường ồn ào.
- Tránh rủi ro từ các hoạt động giải trí: Các hoạt động như cưỡi xe trượt tuyết, săn bắn, sử dụng các dụng cụ điện hoặc nghe các buổi hòa nhạc rock có thể làm hỏng thính giác theo thời gian. Do đó bạn có thể đeo thiết bị bảo vệ thính giác, tránh tiếng ồn để bảo vệ tai. Ngoài ra bạn cũng có thể giảm âm lượng khi nghe nhạc và không nghe trong thời gian dài.
- Kiểm tra các thuốc có nguy cơ gây độc thính giác: Khoảng 200 loại thuốc có thể gây ngộ độc thính giác, bao gồm một số loại thuốc kháng sinh và thuốc chống ung thư. Ngay cả aspirin liều cao cũng có thể gây hại cho tai. Vì thế nếu nghi ngờ loại thuốc đang sử dụng gây hại cho tai, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm kiếm các phương pháp bảo vệ thính giác.
Đeo các thiết bị bảo vệ tai khi làm việc để tránh suy giảm thính lực