Nhiễm trùng tai do nấm còn gọi là otomycosis, ảnh hưởng đến ống tai ngoài. Một số bộ phận bên ngoài khác như vành tai, thùy tai (dái tai) cũng dễ bị tổn thương. Bệnh thường xảy ra ở một bên tai thay vì cả hai. Triệu chứng phổ biến là ngứa, đau tai, dịch tai có màu sắc (vàng, trắng, xám, nâu hoặc xanh lá cây), mất thính lực, ù tai.
Có nhiều loại nấm khác nhau dẫn đến nhiễm trùng tai, phổ biến nhất là candida, aspergillus. Nấm candida gây ra hầu hết bệnh nhiễm trùng nấm men, trong đó có nhiễm trùng tai. Người bệnh do nấm aspergillus có thể xảy ra biến chứng như phản ứng dị ứng, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng các cơ quan khác.
Một số yếu tố nguy cơ như ráy tai tích tụ, chấn thương tai, dùng tăm bông ngoáy tai. Ứ đọng nước trong tai khi tắm, bơi lội hoặc chơi thể thao dưới nước khác cũng là yếu tố nguy cơ. Người thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc steroid có khả năng mắc bệnh này.

Bác sĩ thăm khám tai cho người bệnh. Ảnh: Freepik
Một số tình trạng sức khỏe khác có thể dẫn đến nhiễm trùng tai do nấm như bệnh tiểu đường, ung thư hạch, bệnh chàm và vấn đề về da khác, cấy ghép tạng, hóa trị, xạ trị. Người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nhiều khả năng nhiễm nấm hơn. Bệnh thường xuất hiện ở người từ 30 tuổi trở lên.
Đặc điểm khí hậu nơi sống cũng ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh. Nấm phát triển mạnh ở những nơi ấm áp, ẩm ướt. Người ở vùng hậu nhiệt đới có độ ẩm cao dễ nhiễm trùng tai do nấm hơn.
Xét nghiệm dịch tiết giúp chẩn đoán nhiễm trùng tai là do nấm. Xác định đúng nguyên nhân giúp điều trị hiệu quả. Các phương pháp cải thiện bệnh như vệ sinh, dùng thuốc nhỏ tai, chườm ấm, thuốc bôi ngoài da, thuốc giảm đau không kê đơn. Thuốc uống điều trị được bác sĩ kê đơn trong trường hợp nấm aspergillus gây nhiễm trùng.
Nhiễm trùng tai do nấm thường không nghiêm trọng. Một số ít trường hợp dẫn đến biến chứng nặng như thủng màng nhĩ, mất thính lực, nhiễm trùng xương thái dương ở hai bên,viêm xương chũm, viêm não. Người nghi ngờ mắc bệnh nên đến gặp bác sĩ để chẩn đoán, điều trị sớm nhằm ngăn biến chứng.
Phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp như thường xuyên vệ sinh tai, không để ráy tai tích tụ quá nhiều, sử dụng nút bịt tai khi bơi, lau tai khô sau khi tắm, không làm trầy xước vùng da tai, tránh ngoáy tăm bông.